Lớp 9 ở Việt nam thuộc cấp II (gọi là Trung học cơ sở – THCS); ở Mỹ, lớp 9 cùng với lớp 10, 11, 12 được xếp vào cấp III (gọi là Trung học phổ thông – THPT, Mỹ gọi là High School).
Ở Việt nam mình, từ lớp 9 vào lớp 10 (chuyển cấp), học sinh phải trải qua kì thi tuyển sinh 10 đầy cam go thử thách (còn hơn cả thi vào Đại học vì tỉ lệ chọi cao; trường càng tốt thì càng nhiều HS đăng ký vào, nên 1 HS phải “đánh bại” vài HS khác!). Lơ mơ chọn nguyện vọng sai và tùy trình độ chung, có thể rớt khỏi trường công lập – phải vào học ở trường tư. Có học sinh đạt điểm rất cao; nhưng rớt luôn cả 2 nguyện vọng, gây cú sốc tâm lý và cả gia đình căng thẳng.
Nội dung bài viết
1. Lớp 9 chỉ học 7 môn, mà 2 môn là tự chọn!
1.1. Thời khóa biểu học dưới đây là cố định cho 1 năm học lớp 9. Một ngày:
- học 7 tiết. Giữa mỗi tiết có 5 phút để HS di chuyển đến phòng học bộ môn. Thời khóa biểu không đổi suốt 1 năm học.
- bắt đầu vào tiết học từ 8g45 sáng, kết thúc vào 3g30 chiều; không có giờ ngủ buổi trưa (ăn trưa 30 phút rồi vào học luôn). Riêng ngày thứ 6, thời lượng mỗi tiết học sẽ giảm đôi chút để kết thúc lúc 1g30 cho HS về sớm.
- xe buýt đón đến trường lúc 8g30. Do vậy, HS nào muốn ăn sáng (miễn phí) tại trường thì bố mẹ phải chở con đến trường mới kịp ăn sáng rồi vào học.
Tiết học | Bốn học kì năm 2022-2023 Kì 1: 10/8 – 7/10 Kì 2: 11/10 – 11/1 Kì 3: 12/1 – 22/3 Kì 4: 23/3 – 26/5 | Tiếng Việt |
1 8:45-9:40 55 phút | HOPE-PE V (Physical Education) | Giáo dục thể chất |
2 9:45-10:33 48 phút | ALGEBRA 1 | Đại số 1 |
3 10:38-11:26 48 phút | DIGITAL INFOR TECH Môn con mình tự chọn | Công nghệ thông tin |
4 11:31-12:21 50 phút | WORLD HISTORY | Lịch sử thế giới |
30 phút | ĂN TRƯA (miễn phí) đến 12:51 | |
5 12:56-1:44 48 phút | TEAM SPORTS 1, 2 Môn con mình tự chọn | Thể thao đồng đội 1, 2 |
6 1:49-2:37 48 phút | ENGLISH 1 | Tiếng Anh 1 |
7 2:42-3:30 48 phút | BIOLOGY 1 | Sinh học 1 |
🧙 Giáo dục thể chất có rất nhiều nội dung:
- Tập thể dục như môn học thể dục ở Việt nam mình.
- Học về dinh dưỡng. Đo chỉ số IBM.
- Học về sơ cấp cứu. Băng bó.
- …
🤼 HS tự chọn 2 môn trong hơn 10 môn: Tâm lý học, Công nghệ thông tin, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Pháp, Nâng tạ, Thiết kế đồ họa, Thể thao đồng đội,… Đầu năm, HS đăng kí 2 môn tự chọn với thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Sau đó, trường tùy số lượng lớp và lượng HS đăng kí để xếp lớp. Con nhà mình tự chọn 2 môn trên, nói để dễ lấy điểm!
🤾 Thể thao đồng đội: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, …. GV dạy đến môn gì thì mình học môn đó.
1.2. Môn học và thời khóa biểu lớp 9 (HK 1 và HK2) của một trường THCS công lập tại Tp. HCM như sau
- các môn học: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn, Sinh, Sử, Địa, GDCD, Công nghệ, Thể dục, Họa, Nhạc, Kỹ năng sống, Tự chọn VTM (Văn Thể Mỹ).
- 1 ngày 8 tiết (mỗi tiết 45 phút) từ 7g15 sáng đến 4g30 chiều.
- giữa mỗi tiết nghỉ 5 phút. Có 2 lần ra chơi (khoảng 20 phút).
2. Không có điểm trung bình tất cả các môn
Có người bạn GV trong trường kể, trong buổi học tổng kết năm học. HS A là HS giỏi; nhưng phụ huynh nói 1 câu “Giỏi thì tất cả các môn phải đều giỏi – phải đạt 8,… trở lên chứ; đằng này giỏi mà vẫn có môn chỉ 6,5 …!!!”.
Mình nói với người bạn: Sao không hỏi phụ huynh đó “Nếu bác bị bệnh tim; bác đi chữa bệnh ở bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ đa khoa …?🧑⚕”.
Một sự thật là phụ huynh có con chưa đạt HS Giỏi là giãy nảy lên; ít ai bình tĩnh suy xét. Có bố mẹ áp đặt thành tích điểm số cho con. Mình đã gặp 1 HS thi học kỳ xong không dám về nhà, đi lan man trong siệu thị; hỏi sao không về nhà, em bảo làm bài thi không tốt như kỳ vọng, sợ bố mẹ la mắng nên chẳng biết làm sao, cứ đi lòng vòng vô định thôi!
Thực tế đã chứng minh, có HS bị đánh giá “học dở” (vì học đến mười mấy môn, mà môn nào cũng yêu cầu giỏi!); nhưng khi đến Mỹ, lại học rất tốt, làm Bác sĩ luôn chứ. Chẳng phải giáo dục Mỹ không đánh đồng – HS giỏi là phải giỏi đều ở tất cả các môn 😲! Mình là GV dạy môn Hóa, các môn khác như Toán, Lý, Sinh, Văn, Sử, Địa mình dốt đặc. Tương tự, nếu bạn là kế toán thì bạn không thể giỏi đều ở các ngành nghề khác. Người lớn chúng ta thấy điều đó là tự nhiên – nhưng lại bắt con nít học các môn phải giỏi đều!. Điều này có phải là trái tự nhiên nên rất phi thực tế không?. Giáo dục phổ thông tiên tiến (ở mình thường gọi cho oai là Giáo dục phổ thông quốc tế), theo mình khá đơn giản:
- HS học ít môn và lặp đi lặp lại hàng ngày nên kiến thức chắc; nhưng đồng thời cũng nhẹ nhàng.
- Vì ít môn, không nhồi nhét nên “chất xám dư nhiều”, chuẩn bị để phát huy ở giai đoạn cao đẳng-đại học. Rõ ràng thấy sinh viên tốt nghiệp trường đại học nước ngoài làm được nhiều sáng chế áp dụng hiệu quả ngay (mà không cần đào tạo lại).
- Điểm trung bình tính riêng lẻ từng môn; để HS và PH biết thế mạnh ở môn nào, rồi tập trung vào môn học đó để trau dồi, bồi dưỡng nhằm định hướng nghề nghiệp khi học tiếp (theo hướng nghề hoặc hướng nghiên cứu bậc đại học).
- Dĩ nhiên, quan điểm về việc học của PH và HS cởi mở: chỉ giỏi ở 1 số môn là rất bình thường – rất tự nhiên (không như mình quan niệm giỏi phải là giỏi đều ở mười mấy môn học, môn nào cũng 8,…. trở lên!).
3. Không có chuyện “ở lại lớp”
Một chuyện rất bất ngờ là ở cấp 3 con mình học, không có chuyện HS không đạt môn học thì phải ở lại lớp đó học lại từ đầu (như ở Việt nam); mà HS cứ tiếp tục học lên lớp mới, còn môn chưa đạt kia, đến giờ học thì HS quay trở lại học lớp cũ và thi cho đạt thì thôi 👍(kiểu như trả nợ tín chỉ khi học Đại học ở Việt nam mình). Đây cũng là lý do vì sao người ta không dùng 1 điểm trung bình chung cho tất cả các môn học.
Hy vọng qua bài viết, các bạn có định hướng chuyện học hành của con cái. Thực tế rất khó; nhưng nếu được, PH chúng mình đừng áp đặt con phải học giỏi đều ở tất cả các môn. 🤗
Rất mong gặp lại bạn ở các bài viết sau.
Mong thầy chia sẽ nhiều hơn về chủ đề này!!!
Cám ơn Hoàng đã đọc bài viết.
T sẽ cố gắng tìm hiểu và viết thêm bài về chủ đề em quan tâm.
Chúc Hoàng nhiều sức khỏe và kiên trì trên con đường học vấn.
Thân.